Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên: Cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam!

Cập nhật 04/06/2024
Ngược dòng lịch sử, năm 1958, Thái Nguyên vinh dự được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu lựa chọn là địa điểm để xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên trong bối cảnh miền Bắc nước ta thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu cấp thiết lúc này phải có một đơn vị công nghiệp nhằm xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 04/6/1959, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên, xây dựng nhà máy có công suất thiết kế 10 vạn tấn thép cán/năm.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên trước đây và nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) luôn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, bởi đây chính là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, là cánh chim đầu đàn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc giai đoạn đầu, là đơn vị đi tiên phong trong phát triển các ngành công nghiệp cơ bản của nước ta…
image 20240604134132 1
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân trên Công trường Khu Gang thép ngày 08/6/1959.(Ảnh: Tư liệu)

Quan tâm đến Thái Nguyên và đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau khi Công trường được thành lập, ngày 08/6/1959, Bác Hồ đã đến thăm Công trường Khu Gang thép lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của Công trường và ân cần nhắc nhở anh chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép. Bác phân tích và giáo dục mọi người nhận rõ tiền đồ của mình, nhận rõ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy, giữ gìn của công, thi đua tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Cán bộ lãnh đạo phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, luôn luôn bàn bạc dân chủ với công nhân, lắng nghe ý kiến và săn sóc đời sống anh chị em. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân hãy giúp nhau tiến bộ, cần cố gắng mọi mặt, học tập tinh thần làm việc và những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia các nước anh em...
Với tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, san đồi, bạt núi, bốc, xúc hàng triệu mét khối đất đá, đổ hàng vạn tấn bê tông để xây dựng nên khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của Việt Nam; hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ, nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng tham gia xây dựng Khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của cả nước.

image 20240604134132 2
Các kỹ sư bàn phương án hoàn thành xây dựng hạng mục Lò gió nóng (Phân xưởng Lò cao)
để chuẩn bị cho ra lò mẻ gang đầu tiên 
Ảnh: Tư liệu

Những năm đầu xây dựng và đi vào hoạt động, giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn song chính bởi có những chủ trương đúng đắn được thực thi bởi một tập thể đoàn kết, mà Gang thép Thái Nguyên đã đạt được nhiều dấu ấn phát triển. Ngày 24/10/1959, Đảng bộ Công trường được thành lập, tiếp đó lần lượt các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên được thành lập và đi vào hoạt động. Ngày 02/9/1960, Công trường chính thức làm lễ khởi công đổ bê tông móng lót Lò cao số 1, mở đầu xây dựng các hạng mục công trình của Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên.
Ngày 31/12/1961, thành lập Xưởng Luyện gang (nay là Nhà máy Luyện gang), tiếp đó lần lượt các xưởng: Cơ khí, Vật liệu chịu lửa, Luyện Cốc, Năng lượng, Vận tải Đường sắt và các mỏ nguyên liệu được thành lập. Ngày 21/6/1962, Bộ Công nghiệp nặng ra Quyết định số 361-BCN-Ng/KH2 thành lập Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) để điều hành sản xuất và quản lý Khu Công nghiệp Gang thép. Đến năm 1963, cơ bản hệ thống điện, đường bộ, đường sắt và các đơn vị liên quan đã được thành lập, sẵn sàng  “Tất cả cho mẻ gang đầu tiên ra lò thắng lợi!. Khẩu hiệu đã được hiện thực hoá vào thời khắc 8h30 ngày 29/11/1963, tại Lò cao số 1 - Xưởng Luyện gang, hàng vạn con tim vỡ òa niềm vui sướng khi mẻ gang đầu tiên rực rỡ ra lò. Thời khắc đó đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày truyền thống Công nhân Gang thép Thái Nguyên, là niềm tự hào của đội ngũ các thế hệ người Công nhân Gang thép.

image 20240604134132 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lò cao, Khu Gang thép Thái Nguyên ngày 01/01/1964 - Ảnh: Tư liệu

Trải qua muôn vàn khó khăn, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm phai nhạt ý chí, tinh thần thép của đội ngũ các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Thép. Từ một Khu công nghiệp với dây chuyền sản xuất khép kín với quy mô công suất 10 vạn tấn thép cán /năm, đến nay, công suất thép cán đạt 1 triệu tấn/năm; doanh thu bình quân 3 năm gần đây theo báo cáo đạt trên 16 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, giá giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt 2.747 tỷ đồng, bằng 29% so với kế hoạch năm; quặng sắt khai thác đạt 60.563 tấn, bằng 26% kế hoạch; thép cán sản xuất đạt 179.778 tấn, bằng 28% kế hoạch; bảo đảm việc làm cho trên 3.300 lao động với mức lương bình quân trên 9,6 triệu đồng/người/tháng.

image 20240604134132 4
Sản phẩm Thép TISCO đã được tin tưởng lựa chọn, sử dụng trong hầu hết các công trình trọng điểm Quốc gia

Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thời gian tới, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tập trung đẩy nhanh các hạng mục đầu tư trong sản xuất kinh doanh; bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Thép Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên... tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án giai đoạn 2... Theo đó, Công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại lao động, tinh gọn bộ máy. Tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao độngtham gia có trách nhiệm các phong trào của địa phương, làm tốt các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Những giá trị làm nên sức mạnh của Gang thép Thái Nguyên đều là sự nối tiếp mạch nguồn những giá trị vật chất, tinh thần của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên đã dầy công xây dựng, vun đắp, bảo vệ và phát huy trong hành trình lịch sử đã qua. Ngày hôm nay, Gang thép Thái Nguyên với truyền thống “Đoàn kết - Lao động cần cù - Dũng cảm - Sáng tạo” đang tiếp tục vươn tầm để không ngừng phát triển, kiến tạo những giá trị mới, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

X