Tin tức tiêu biểu
Bảo đảm đời sống người lao động tại Công ty gang thép Thái Nguyên!
Theo thống kê sơ bộ, nếu tính riêng phần sản xuất kinh doanh, giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, TISCO vẫn là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên.
Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy Cán thép Thái Trung, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
(Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Mặc dù gặp không ít khó khăn do áp lực cạnh tranh thị trường, dự án mở rộng giai đoạn 2 đình trệ, nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn sản xuất hơn 180.000 tấn thép cán, trên 86.000 tấn phôi thép, 46.000 tấn gang lò cao, tổng doanh thu đạt hơn 3.100 tỷ đồng.
Công ty đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 4.300 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Ngọc Diệp - Tổng giám đốc TISCO, cho biết tại các đơn vị sản xuất chính như nhà máy luyện gang, cán thép Thái Trung, cán thép Lưu Xá..., dây chuyền thiết bị được vận hành hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường; người lao động có đủ việc làm, được trả lương và hưởng đầy đủ quyền lợi.
Trong bối cảnh hiện nay, công ty tập trung ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm; giữ vững thị phần và mở rộng xuất khẩu sản phẩm thép TISCO.
Ngoài ra, công ty luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như đầu tư cải tạo, nâng cấp 15 nhà ăn ca tự chọn cho công nhân; xây dựng 7 nhà tắm giặt, sấy quần áo liên hoàn tại các đơn vị sản xuất; thực hiện mô hình "Nhà máy công viên" ở 5 đơn vị, nhà máy.
Năm 2019, TISCO đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 800.000 tấn thép cán, 420.000 tấn phôi thép, hơn 200.000 tấn gang lò cao, nộp ngân sách trên 200 tỷ đồng.
Khó khăn hiện nay của công ty là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất, kinh doanh, nhất là khi đơn vị phải sử dụng vốn vay với lãi suất cao hơn mức trung bình từ 2 đến 2,5% bởi mức tín nhiệm của doanh nghiệp thấp.
Hằng tháng, TISCO phải trả lãi vốn vay cho các ngân hàng thương mại từ 14-15 tỷ đồng.
Do vậy, sau khi thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến các sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, tập thể người lao động TISCO kiến nghị các cấp có thẩm quyền, ngân hàng thương mại điều chỉnh lại cơ chế cho vay, duy trì hạn mức vay vốn ngắn hạn để doanh nghiệp ổn định sản xuất nhằm bảo toàn vốn cho ngân hàng, vốn Nhà nước do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý tại TISCO.
Việc sớm xử lý, giải quyết các tồn tại, vướng mắc này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp luyện kim có bề dày truyền thống hàng đầu Việt Nam phát triển; đảm bảo đời sống của hàng nghìn người lao động; không ảnh hưởng tới hơn 500 doanh nghiệp là đối tác, khách hàng, nhà cung cấp trên cả nước.
Theo thống kê sơ bộ, nếu tính riêng phần sản xuất kinh doanh, giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, TISCO vẫn là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên với sản lượng đạt trên 3 triệu tấn thép cán, hơn 1,5 triệu tấn phôi thép với tổng doanh thu trên 37.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.326 tỷ đồng; đảm bảo quỹ lương cho người lao động đạt hơn 1.800 tỷ đồng./.
Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)